Đôi lúc tôi đã tự hỏi về sự khác nhau giữa 3 khái niệm mà người ta vẫn hay nói đến: tinh dầu, hương liệu và dầu nền? Thực vậy, đó là những khái niệm dễ làm cho người ta hay nhẫm lẫn, có khi lại bối rối khi phân biệt. Bởi đây là các thuật ngữ quen thuộc thường được sử dụng hàng ngày trong các sản phẩm về tự nhiên hay mỹ phẩm. Bài viết này OKING Việt Nam sẽ giúp bạn hiểu rõ 3 loại khái niệm này để trang bị kiến thức tốt hơn và sử dụng sao cho đúng nhé!
Khái niệm đầu tiên: Tinh dầu
Tinh dầu (Essential oil) là một loại chất lỏng chứa các hợp chất bay hơi, được chiết xuất từ thực vật. Khi bạn lướt web hoặc ghé thăm các cộng đồng những người yêu thích tinh dầu, bạn sẽ hay bắt gặp chúng với các tên gọi khác như tinh dầu thiên nhiên, tinh dầu nguyên chất. Nhờ những tính chất trị liệu đặc biệt của nó, tinh dầu còn được ví như viên ngọc của thiên nhiên, là tất cả những tinh túy từ thực vật ở các bộ phận khác nhau như: hạt, quả, thân, lá, rễ, hoa,... và đương nhiên những tinh túy này là các thành phần có mùi thơm, không béo. Chúng được lấy ra bằng những phương pháp đặc biệt tùy vào từng loại tính chất của tinh dầu. Ví dụ như tinh dầu khuynh diệp được chiết xuất bằng phương pháp chưng cất hơi nước bởi vì các thành phần trong tinh dầu này ít bị biến tính bởi nhiệt độ của nồi chưng, hay những loại tinh dầu quý như gỗ trầm hương thì nên sử dụng phương pháp chiết xuất chất lỏng siêu tới hạn CO2 để giữ được các đặc tính dược liệu quý rất dễ bị biến tính bởi nhiệt độ, hoặc những dòng cam quýt thì nên sử dụng phương pháp ép sẽ cho ra hiệu quả tối ưu và ít tốn kém chi phí hơn. Một đặc điểm nữa của tinh dầu đó là giá thành rất cao. Vì sao lại như vậy? Bởi vì như các bạn biết đấy, chúng mang những đặc tính trị liệu quý báu mà để ra được 01 kí tinh dầu cần khoảng 5 tấn nguyên liệu, tùy theo từng hiệu suất mà bạn sử dụng. Nhưng nhìn chung, khi bạn đã quyết định sử dụng tinh dầu thì bạn nên chấp nhận giá thành của nó. Nếu bạn mua phải một loại tinh dầu giá rẻ, rất có thể bạn đã mua nhầm hàng giả, có khi là hương liệu giả tinh dầu hoặc bị pha.
Tinh dầu nguyên chất thường có mùi nồng và mạnh, rất dễ bay hơi. Chúng thường được bảo quản trong những chai thủy tinh tối màu hoặc chai nhôm để tránh ánh sáng chiếu trực tiếp gây biến tính tinh dầu thông qua việc oxy hóa các thành phần trong nó. Hơn nữa, nếu sử dụng chai nhựa không phù hợp, các thành phần trong tinh dầu có thể hòa tan các loại nhựa này gây hỏng, vì vậy cần tránh đựng trong chai nhựa. Nhiều trường hợp thực tế, tinh dầu có khả năng hòa tan xốp. Đây là một hiện tượng hết sức bình thường bạn nhé.
Tinh dầu thường hay sử dụng trong các liệu pháp mùi hương (Aroma therapy) để nâng cao sức khỏe, tinh thần cho người sử dụng. Chúng giúp làm giảm đau, kháng viêm, kháng khuẩn, chống mệt mỏi, chống mất ngủ, các vấn đề về da như nám mụn… thông qua các con đường như hệ hô hấp (xông, máy khuếch tán), đi trực tiếp vào da (massage với dầu nền, dầu dưỡng),... Mùi hương của chúng cũng rất đa dạng, có hương hoa, hương gỗ, hương lá,... nhưng vì là các chiết xuất từ tự nhiên nên mùi của chúng rất dễ phai nhanh. Ngoài ra, tinh dầu nguyên chất có nồng độ cao rất dễ kích ứng làm tổn thương da, bỏng rát hoặc mẩn đỏ nên nếu bạn muốn sử dụng trực tiếp lên da thì cần kết hợp với dầu nền để sử dụng nhé.
► Tham khảo tinh dầu nguyên chất tại đây!
Khái niệm thứ hai: Hương liệu
Hương liệu (Fragrance oil, perfume oil) đôi khi còn được gọi là tinh dầu nước hoa được sản xuất như là mùi hương để phục vụ cho ngành hương liệu. Chúng là những mùi hương tổng hợp từ các sản phẩm hóa học và trong thành phần có chứa các hợp chất nhân tạo. Chúng được thiết kế đặc biệt để bắt chước mùi hương của một sản phẩm tinh dầu tự nhiên hoặc được tạo ra để gợi cảm giác (ví dụ như cơn mưa mùa xuân). Phạm vi sử dụng mùi hương của hương liệu là rất lớn và khá là rẻ nên hầu như được sử dụng phổ biến trên thị trường.
Nhờ những thành phần được tổng hợp công nghiệp nên hương liệu có giá thành rất rẻ, chỉ cần sử dụng các phản ứng hóa học để điều chế ra chúng mà không cần phải trồng trọt, thu hoạch, chiết xuất như tinh dầu thiên nhiên. Một số nhược điểm của loại này là có thể những thành phần hóa học gây hại cho môi trường, thậm chí ảnh hưởng đến sức khỏe con người nếu không được kiểm soát chặt chẽ. Hiện nay, tổ chức uy tín đứng ra đảm bảo các tiêu chuẩn sử dụng là Hiệp hội hương liệu quốc tế - IFRA.
Vì hương liệu rất đa dạng mùi và chỉ chứa những hoạt chất chính để tạo mùi nên số lượng các hợp chất trong hương liệu chắc chắn sẽ ít hơn trong tinh dầu (thứ mà chỉ thiên nhiên có thể tạo ra được). Tinh dầu nguyên chất chứa nhiều “tinh chất” dược liệu tự nhiên, vô số các thành phần mà khoa học hiện nay chưa thể xác định và bào chế được. Các thành phần này, tồn tại trong một tổng thể và tạo nên sự riêng biệt độc đáo cho mỗi loại tinh dầu. Các loại hương liệu không có tác dụng trị liệu và không được khuyến cáo cho mục đích điều trị.
Khái niệm thứ ba: Dầu nền
Dầu nền (Base oil / Carrier oil) thường được chiết xuất từ những hạt quả giàu chất béo, omega 3,... bằng những phương pháp đơn giản như: Ép nóng, ép nghiền, ép lạnh,... Một số dầu nền dùng để chăm sóc da thường gặp như dầu oliu, jojoba, shachi, chùm ngây, nụ tầm xuân,... hay những loại dầu nền có tác dụng cho tóc, mi như: dầu argan, dầu dừa,... Mỗi loại sẽ có những đặc tính khác nhau nhưng nhìn chung đều có thành phần chính là chất béo, vitamin và khoáng chất.
Tác dụng chính của dầu nền là dùng trong nấu ăn, cung cấp dinh dưỡng. Ngoài ra còn có công dụng làm đẹp da, đẹp tóc và ngày càng được sử dụng nhiều trong mỹ phẩm. Dầu nền không bay hơi, khi để ngoài môi trường có thể bị oxi hóa, bị ôi thiu và có hiện tượng trở mùi khét vì có chứa chất béo. Dầu thường ở dạng sánh, màu vàng nhạt đến đậm, có thể được đựng trong chai nhựa.
Bạn có thể sử dụng tinh dầu kết hợp với dầu nền như một phương pháp làm đẹp hiệu quả nhờ sự kết hợp giữa các đặc tính trị liệu quý báu của tinh dầu và các chất béo, vitamin, khoáng chất có trong dầu nền, giúp thẩm thấu vào da nhanh và tốt hơn.
-OKING VIỆT NAM-
Viết bình luận